(CAFEF.VN)-NHIỀU MÔ HÌNH BĐS CAO CẤP XUẤT HIỆN TRÊN THỊ TRƯỜNG NHÀ ĐẤT ĐỒNG NAI
Theo các chuyên gia trong ngành, những năm gần đây, bên cạnh phân khúc đất nền phân lô quy mô nhỏ thị trường BĐS Đồng Nai đã và đang xuất hiện những khu đô thị khép kín với nhà phố, biệt thự, shophouse, chung cư… đón đầu nhu cầu của những đối tượng khách hàng cao cấp hơn. Chính sự đa dạng loại hình BĐS cộng với lợi thế giáp ranh Tp.HCM đã và đang tạo điểm nhấn và thu hút dòng tiền của NĐT về với thị trường này.
Thực tế thị trường Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai) cho thấy, những khu đô thị khép kín với không gian sinh thái, đầy đủ tiện ích, kết nối dễ dàng đến các tiện ích như cầu, sân bay…có thanh khoản khá tốt. Nhu cầu này đến từ ở cả nhà đầu tư (NĐT) lẫn người mua ở thực. Tuy vậy, các sản phẩm này chỉ mới ở giai đoạn đầu phát triển, chưa nở rộ như thị trường giáp ranh Tp.HCM.
Nếu trước đây, Long Thành (Đồng Nai) hầu hết chỉ xuất hiện các sản phẩm phân lô quy mô nhỏ thì hiện nay thị trường này được đánh giá cao bởi sự đa dạng loại hình BĐS, trong đó xuất hiện các phân khúc cao cấp đón đầu nhu cầu nhà ở của các chuyên gia sân bay (trong tương lai). Hầu hết những mô hình sản phẩm này theo hướng là khu dân cư khép kín, yên tĩnh, có mảng xanh bao bọc xung quanh và thường nằm ở các tuyến đường kết nối nhanh đến sân bay.
Không thể phủ nhận, hạ tầng đang là đòn bẩy chính giúp TT BĐS Đồng Nai tăng trưởng những năm gần đây
Nhận thấy nhu cầu lưu trú ngắn hạn và dài hạn từ khách du lịch, chuyên gia nước ngoài, phi công, tiếp viên hàng không, kỹ sư làm việc trong sân bay Tân Sơn Nhất vốn rất cao và gần như “quá tải”. Trong khi đó, khoảng cách từ sân bay Long Thành trong tương lai đến sân bay Tân Sơn Nhất là 43km. Cho nên, theo các doanh nghiệp, một điều dễ thấy là nhu cầu sinh sống và an cư của nhóm đối tượng khách hàng này ở một nơi là “thành phố sân bay” tương lai như Long Thành còn cao hơn gấp nhiều lần.
Do đó, thời điểm này, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã đổ về đây để đón đầu nhu cầu nhà ở của đối tượng khách hàng này trước sức nóng của cảng hàng không quốc tế Long Thành. Chẳng hạn, tại trục đường kết nối trực tiếp với sân bay như Phước Bình – Tân Hiệp, Phước Bình – Bàu Cạn, hiện tại đã xuất hiện một số mô hình nhà ở khép kín như Long Thành Airport Village; Long Thành Phát Residence, Long Thành Central, Long Thành Airport City …
Hầu hết các sản phẩm khu dân cư này đầu có hạ tầng đồng bộ, cảnh quan sinh thái và nhiều tiện ích nhằm đáp ứng nhu cầu an cư cũng như tận hưởng cuộc sống của các chuyên gia làm việc tại sân bay quốc tế liền kề. Việc đón đầu này, theo các doanh nghiệp là cách để linh hoạt nguồn khách hàng cũng như tạo điểm nhấn của sản phẩm theo sức hút của sân bay quốc tế. Thay vì làm các sản phẩm manh muốn, nhỏ lẻ, thiếu tiện ích, việc tập trung phát triển khu dân cư đồng bộ tiện ích, hướng đến nhu cầu của đối tượng khách mua cao cấp hơn, theo các doanh nghiệp cũng là cách tạo điểm nhấn về thương hiệu doanh nghiệp lâu dài.
Sự đa dạng về nguồn cung ở thị trường này đã và đang tạo ra sức mua tốt hơn vì có nhiều sự lựa chọn, bên cạnh đó, nơi đây cũng chứng kiến sự nhộn nhịp hơn hẳn do nhiều doanh nghiệp địa ốc cũng đang “manh nha” các mô hình BĐS mới lạ đưa ra thị trường trong giai đoạn tới.
Thị trường nơi đây đang xuất hiện các mô hình nhà cao cấp, hướng đến đối tượng khách hàng là chuyên gia hàng không. Đây được xem là hướng đi linh hoạt của một số doanh nghiệp BĐS ở thời điểm này.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng, so với các tỉnh vệ tinh Tp.HCM thì không thể phủ nhận Đồng Nai vẫn là thị trường hút dòng tiền của người mua, bởi lợi thế giáp ranh, hạ tầng kết nối đồng bộ và đáng nói mô hình nhà ở đa dạng hơn trước rất nhiều, bên cạnh đất nền thì còn có nhà phố, biệt thự, chung cư cao cấp… chính điều này đã và đang khiến nơi đây trở thành vùng đất còn nhiều tiềm năng cho người mua BĐS.
Theo các chuyên gia, BĐS Long Thành đang ở giai đoạn đầu của thời kỳ tăng trưởng và mức giá còn thấp. Do đó, giá trị BĐS nơi đây còn tiếp tục ra tăng, đặc biệt với sự phát triển ngày càng đồng bộ của hạ tầng giao thông, công trình trọng điểm quốc gia cảng hàng không quốc tế Long Thành thì nơi đây được dự báo sẽ trở thành cực tăng trưởng đối trọng của khu Đông Tp.HCM và tiềm năng còn phát triển trong vòng 5- 10 năm tới.
Không thể phủ nhận, ở thời điểm này, sân bay là lí do chính khiến cho thị trường BĐS nơi đây sôi động và hoạt động đầu tư BĐS cũng chộn rộn rõ nét ở giai đoạn này. Đây là sản phẩm cách Tp.HCM khoảng 40 km về hướng Đông. Theo đó, tổng diện tích đất được quy hoạch điều chỉnh là 5.000 ha, giai đoạn 1 với 1.810 ha dự kiến sẽ được đưa vào khai thác năm 2025. Như vậy, đến năm 2040, sau khi hoàn tất 3 giai đoạn sẽ đạt công suất 100 triệu hành khách/năm sân bay Long Thành sẽ là là sân bay lớn nhất Việt Nam; đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Hơn nữa, theo quy hoạch hệ thống giao thông khu vực phía Nam đến năm 2030, xung quanh sân bay Long Thành có thêm nhiều tuyến đường cao tốc kết nối. Đơn cử, tuyến đường bộ TP HCM – Long Thành – Dầu Giây khai thác từ năm 2015; tuyến Bến Lức – Long Thành; tuyến Dầu Giây – Phan Thiết; tuyến Dầu Giây – Liên Khương; tuyến Biên Hòa – Vũng Tàu; tuyến vành đai 4 chạy phía Đông sân bay Long Thành nối TP Bà Rịa (Bà Rịa – Vũng Tàu) với huyện Trảng Bom (Đồng Nai). Ngoài ra, tuyến đường sắt từ Trảng Bom xuyên qua nhà ga CHK Long Thành đến khu đô thị Thủ Thiêm (TP HCM) cũng sẽ được mở thêm. Sau khi hoàn thành các công trình, khu vực Long Thành sẽ hình thành các trục đường liên thông, tạo thuận lợi cho việc đi lại sau khi sân bay đi vào hoạt động.
Song song đó, Long Thành đang duy trì vai trò chủ đạo của ngành công nghiệp (tỉ trọng 68%) và thúc đẩy nền kinh tế theo hướng công nghiệp – dịch vụ. Mục tiêu hoàn chỉnh hệ thống giao thông hiện đại nhằm trở thành trung tâm dịch vụ, công nghiệp vào năm 2020 và là đô thị loại 3 vào năm 2025. Lợi thế này sẽ tạo tiền đề quan trọng cho sự thay đổi tích cực bộ mặt đô thị của Long Thành, thu hút lượng lớn đầu tư trong và ngoài nước đổ về, tác động rõ nét đến thị trường BĐS khu vực.
Tuy vậy, các chuyên gia cũng luôn đưa ra cảnh báo với người mua BĐS, dù ở bất cứ thị trường nào, đặc biệt ở các khu vực đang nổi lên về hạ tầng, được nhiều người quan tâm thì vấn đề pháp lý vẫn luôn là yếu tố phải lưu ý hàng đầu. Bản thân người mua phải là người hiểu rõ về thị trường khu vực.
“Nhà đầu tư trước khi quyết định “xuống tiền” cần xem xét kỹ lưỡng những kì vọng về tiềm năng của thị trường đó có đúng như mình nhận định hay không. Nếu kì vọng về cơ sở hạ tầng thì phải bỏ thời gian ra để kiểm tra cơ sở hạ tầng đó có được khởi công hay không, tiến độ thế nào, còn lâu hay sắp xảy ra”, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam nhấn mạnh.
Nguồn: cafef.vn
Hạ Vy
Theo Nhịp sống kinh tế